Lí do vì sao laptop không bắt kịp được PC trong công nghệ game

Với cùng một số tiền để đầu tư một chiếc laptop chơi game thuộc dạng khủng, bạn hoàn toàn có thể dùng nó để tậu về một em PC với cấu hình và hiệu năng mạnh hơn rất nhiều, chưa kế đến độ linh hoạt khi nâng cấp và sửa chữa, và hệ thống tản nhiệt cũng hoạt động tốt hơn. Vậy tại sao chúng ta cần đến những chiếc laptop chơi game: sản phẩm mà các hãng công nghệ hiện nay đang đẩy mạnh sản xuất. Hãy cùng tìm câu trả lời bên dưới.

Muốn có cung phải có cầu

Quan điểm này là không cần phải bàn cãi, vì bản thân sản phẩm laptop vốn được tạo ra để trở thành một phiên bản tiện lợi hơn của PC, nghĩa là sẽ có đủ những tính năng cơ bản của một cái máy tính, nhưng dễ dàng di chuyển và thay đổi vị trí hơn rất nhiều. Nhất là trong một xã hội mà con người phải dịch chuyển liên tục như hiện nay, nếu không có cho mình một chiếc laptop thì khả năng giải quyết công việc mọi lúc mọi nơi sẽ bị hạn chế đáng kể.

PC luôn đi trước trong công nghệ chơi game

Trong việc chơi game cũng vậy. Trước đây thị trường giải trí công nghệ cao là mảnh đất dành riêng cho hệ máy PC, vì nó có đủ những tính năng cần thiết để đáp ứng cho người sử dụng và lại còn rẻ hơn rất nhiều so với khi đầu tư laptop, và ngươi dùng cũng chỉ có nhu cầu chơi game khi trở về nhà. Nhưng ngày nay thì khác, khi game online đã trở thành một môn “thể thao” chính thống, được gọi là eSport, và đòi hỏi về sự linh hoạt với những thiết bị chơi game ngày càng lan rộng, thì hệ máy PC lộ rõ ra bất lợi của nó: không thể mang ra ngoài được (trừ phi bạn cần sửa chữa). Từ đó quan điểm sản xuất bắt đầu thay đổi, và dòng sản phẩm laptop game dành cho những người có nhu cầu chiến game một cách động hơn đã ra đời.

Cuộc chạy đua về công nghệ

Cũng phải mất kha khá thời gian trước khi loại sản phẩm này được phổ biến rộng rãi, vì việc tạo ra laptop chơi game không đơn giản như với những loại laptop phổ thông. Yêu cầu về cấu hình dành cho việc chơi game rất phức tạp, không chỉ phải đáp ứng về độ bền và tốc độ xử lý thông tin, mà còn phải kham được các chương trình đồ họa ngày càng trở nên tinh xảo của những dòng game hiện nay. Với áp lực về khoảng cách phát triển quá lớn so với hệ PC đã thống trị từ rất lâu, các hãng công nghệ phải không ngừng cải tiến những linh kiện tích hợp cho laptop để dần đuổi theo chất lượng đã tiến rất xa của desktop.

Mặc dù bị hạn chế vì rất nhiều lí do, như công nghệ sản xuất linh kiện cho laptop luôn tốn kém hơn cho PC, hạn chế về mặt hiển thị hình ảnh vì màn hình laptop luôn nhỏ hơn, trải nghiệm bàn phím và âm thanh cũng bất tiện vì phải thu gọn lại mọi thứ, trong khi vẫn phải đảm bảo một sản phẩm đủ gọn nhẹ để mang đi chinh chiến khắp nơi. Nhưng mỗi năm các hãng vẫn không ngừng cho ra đời những mẫu laptop bắt mắt hơn, hiệu suất cao hơn, công nghệ hình ảnh/âm thanh tiên tiến hơn, và độ mỏng nhẹ cũng được cải thiện dần.

Tín hiệu đáng mừng cho những fan của laptop game là càng ngày càng có nhiều hãng đầu từ vào phân khúc tiềm năng này, và hiện nay cũng có rất nhiều hãng máy tính cho ra đời những mẫu laptop chơi game cạnh tranh với nhau khá gay gắt, từ những thương hiệu phổ thông như Acer, Asus, Dell đến những thương hiệu đặc thù hơn như Razer Blade hay Gigabyte. Và khi sự ganh đua xảy ra, người được hưởng lợi nhất là những game thủ.

Laptop cần phải cải tiến rất nhiều mới bắt kịp PC

Vẫn còn một chặng đường dài

Không thể phủ nhận được laptop game đã tiến rất ra trên bước đường phát triển của mình, các hãng liên tục đưa ra những cải tiến về  công nghệ xử lý hình ảnh, hiệu năng vận hành chương trình và những cải tiến để tăng độ bền của sản phẩm. Nhưng những hạn chế về mặt giá thành và tính năng thì vẫn còn đó, nhất là khi công nghệ sản xuất PC cũng chưa từng dừng lại để chờ bị bắt kịp mà vẫn cải tiến từng ngày.

Trước hết, có lẽ bài toán khó nhất của các hãng là làm sao để tạo nên những laptop game hiệu năng tốt mà chi phí sản xuất không bị dội lên quá cao. Hãy cùng chờ xem trong tương lai, liệu laptop có thể thay thế được PC trong nhu cầu trải nghiệm game hay không nhé.

Tìm hiểu thêm tại đây để biết nên mua laptop game hiệu nào.